Truyền thuyết Ngu Cơ

Bá vương biệt cơ

Đoạn tình giữa hai người trong thành Cai Hạ là một đoạn bi tráng rất nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, được Sử ký của Tư Mã Thiên nhắc tới. Cái chết của bà không rõ ràng, nhưng dân gian dần lý tưởng hóa, được gọi với điển tích là Bá vương biệt cơ (霸王别姬).

Sự tích kể rằng, khi bị bao vây ở Cai Hạ, Hạng vương đóng quân ở trong thành Cai Hạ, binh ít lương hết, tình thế quả thực nguy khốn. Quân Hán và quân chư hầu bổ vây mấy vòng. Đang đêm, Hạng vương thức dậy nghe quân Hán ở bốn mặt đều hát giọng Sở, Hạng vương kinh hoàng, nói:"Hán đã lấy được Sở rồi sao? Sao mà người Sở lại đông như thế?". Đêm hôm đó, Hạng vương uống rượu trong trướng cùng Ngu Cơ. Hạng vương đau đớn cảm khái làm bài thơ, được đời sau gọi là bài "Cai Hạ ca":

力拔山兮氣蓋世,時不利兮騅不逝.騅不逝兮可奈何!虞兮虞兮奈若何!Lực bạt sơn hề, khí cái thế,Thời bất lợi hề, Truy bất thệTruy bất thệ hề khả nại hà,Ngu hề, Ngu hề nại nhược hà.Sức dời núi, khí trùm trời,Ô Truy chùn bước bởi thời không may!Ngựa sao chùn bước thế này?Ngu Cơ, biết tính sao đây hỡi nàng?

Hạng vương cứ như thế vừa uống rượu mà ca mấy lần, tâm trạng cực kì ảo não. Nàng Ngu Cơ sau đó quyết định múa kiếm, hát hòa theo, lời ca rằng:

漢兵已略地四面楚歌聲大王義氣盡賤妾何聊生Hán binh dĩ lược địa,Tứ diện Sở ca thanh.Trượng phu ý khí tận,Tiện thiếp hà liêu sinh.Quân Hán lấy hết đất,Khúc Sở vang bốn bề.Trượng phu chí lớn cạn,Tiện thiếp sống làm chi.

Rồi Ngu Cơ lấy gươm tự vẫn để tránh làm vướng bận Hạng vương. Thấy Ngu Cơ chết, Hạng vương khóc chảy nước mắt, tả hữu đều khóc, không ai có thể ngẩng lên nhìn. Sau đó Hạng Vũ chọn 28 kỵ binh trung thành, liều chết phá vòng vây của quân Hán vượt ra ngoài. Chạy đến sông Dương Tử thì cùng đường. Tự thấy không còn mặt mũi nào qua sông về Giang Đông tái dựng cơ đồ, Hạng vương đành tự vẫn ở trấn Ô Giang.

Thiên cổ tuyệt hưởng

Có truyền thuyết rằng, Ngu Cơ cùng Hạng Vũ là trời sinh một đôi, nhà của Ngu Cơ cùng Hạng Vũ đều là người quý tộc nước Sở. Sau khi Tần Thủy Hoàng diệt Sở, nhà của Ngu Cơ dời đến tỉnh Giang Tô, cùng với Hạng Vũ là thanh mai trúc mã.

Lớn lên, Ngu Cơ môn đăng hộ đối gả cho Hạng Vũ, Tần Thủy Hoàng băng hà, con là Tần Nhị Thế kế vị. Nhà Tần chính sách tàn bạo, Hạng Vũ cùng chú Hạng Lương mang tám ngàn đội quân, đều là người quý tộc Sở và thân thích của họ Hạng, đứng lên thành lập một cứ địa, khiêu chiến nhà Tần để giành thiên hạ. Ngu Cơ là vợ hiền, Hạng Vũ chiến đến nơi nào, nàng liền theo tới nơi đó. Cứ như vậy, Ngu Cơ trong doanh trại là một niềm an ủi cho Hạng Vũ mỗi khi giao tranh nổi lên hoặc kết thúc. Hạng Vũ đối với Ngu Cơ nhất mực chung tình, trở thành giai thoại. Tương truyền, Hạng Vũ cùng Lưu Bang tiêu diệt cung A Phòng, thu thập nhiều vàng bạc châu báu trong cung, thu nạp cung nhân nghìn người, tất cả đều dành cho Ngu Cơ.

Sau khi nhà Tần diệt vong, Hạng Vũ cùng Lưu Bang tranh thiên hạ. Giao tranh kịch liệt, cuối cùng đến đại chiến ở Cai Hạ. Trong cơn vây khốn, Hạng Vũ buồn bã hát lên khúc "Cai Hạ ca", Ngu Cơ nghe câu hát, cảm thấy Hạng Vũ suy sụp, bèn rút thanh kiếm đeo trên hông của Hạng Vũ cứa cổ tự vẫn. Hạng Vũ thất thần, sai người đào huyệt làm mộ phần cho Ngu Cơ, sau đó cùng người ngựa đến Ô Giang, cùng đường tự sát. Tương truyền nơi máu bà đổ xuống mọc lên một thứ cỏ hễ có rót rượu gần bên thì cỏ múa lả lướt như Ngu Cơ trong tiệc rượu của Hạng Vũ. Người ta gọi cỏ ấy là "Ngu mỹ nhân thảo" (虞美人草). Lại có thuyết cho rằng hương hồn bà không tan, hóa thành 2 khóm cỏ trên mộ, ngày đêm cứ quấn quýt vào nhau, người ta gọi là "Ngu thảo" (虞草).

Quê quán Giang Tô

Truyền thuyết dân gian đều cho rằng Ngu Cơ là người Giang Tô. Có hai giả thuyết khác nhau về quê quán của bà, giả thuyết thứ nhất nói bà đến từ Nhan Tập Trấn (顏集镇) ở huyện Thuật Dương, thành phố Tú Thiên, trong khi giả thuyết thứ hai nói bà đến từ Tô Châu. Cả hai thuyết đều chứng minh bà là người Giang Tô.

Ở Nhan Tập Trấn có Ngu Cơ mương (虞姬沟) uốn lượn nửa cảnh, trong khu này có rất nhiều truyền thuyết liên quan đến Ngu Cơ cùng Hạng Vũ, như Yên chi tỉnh (胭脂井), Bá vương kiều (霸王桥), Cửu long khẩu (九龙口) cùng Hạng Trạch (项宅). Căn cứ theo Giang Tây An Lăng Cát Lư Hạng thị gia phổ (江西吉安庐陵项氏家谱), Ngu Cơ được truy Hậu: 「"Ngu hậu sinh ra, có năm con phượng tỏa sáng trong nhà, mùi hương kì lạ không dứt, năm sinh là Đinh Sửu (224 TCN), mất năm Kỷ Hợi (202 TCN), táng ở Bành Thành"; 虞后生时五凤鸣于宅,异香闻于庭,生于丁丑(公元前224年)卒己亥(公元前202年),葬彭城」. Ở huyện Thuật Dương, sự tích về Ngu Cơ đặc biệt nhiều. Có một quan viên thời nhà ThanhViên Mai (袁枚), từng nhậm Tri huyện của huyện Thuật Dương, từng làm một đầu thơ "Quá Ngu câu du Ngu Cơ miếu" (过虞沟游虞姬庙), cũng tự chú là "Tương truyền, Ngu Cơ là người huyện Thuật vậy".

Còn ở Thường Thục, tỉnh Tô Châu, cũng có vô số địa danh lấy tên Ngu Cơ, ví dụ Thường Thục luôn có biệt xưng là "Ngu Thành" (虞城), có "Ngu Sơn" (虞山). Tương truyền, thôn mà bà sinh ra gọi là "Ngu khê thôn" (虞溪村).

Phần mộ và nơi thờ

Hiện có nhiều giả thuyết về phần mộ Ngu Cơ và nhiều nơi tại Trung Quốc có mộ Ngu Cơ[4]. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc tổng kết có các địa danh về phần mộ và nơi thờ bà trong khu vực tỉnh Giang Tô, Trung Quốc như sau:

  • Huyện Định Viễn, tỉnh Giang Tô. Căn cứ vào ghi chép của Sử ký thì mộ Ngu Cơ tại đây. Ngày nay không còn dấu tích gì về mộ bà tại huyện này[5].
  • Huyện Linh Bích, tỉnh Giang Tô. Căn cứ theo ghi chép của sách Dư địa chí đời nhà Thanh thì ngôi mộ ở huyện này là mộ Ngu Cơ. Ngày nay vẫn còn ngôi mộ có bia ghi ba chữ "Nữ anh hùng"[5].
  • Núi Cài Hoa: nơi đây có miếu thờ Ngu Cơ. Tương truyền sau khi bà tự vẫn, Hạng Vũ lấy đầu bà treo lên cổ ngựa rồi phá vòng vây chạy ra. Lên một ngọn núi thì bông hoa lan mà bà cài trên tóc khi còn sống bị rơi, nên ngọn núi được gọi là Núi Cài hoa. Sau này nhân dân lập miếu thờ bà. Hằng năm đến ngày 3 tháng 3 âm lịch, người ta đến làm lễ cầu con tại miếu này[6].
  • Thôn Hoa Lan, huyện Giang Phổ, tỉnh Giang Tô. Theo thuyết này, Ngu Cơ không tự vẫn trong thành Cai Hạ mà cùng Hạng Vũ phá vây chạy thoát ra ngoài. Đến một đồng cỏ, bà đánh rơi cánh hoa lan cài lên tóc, từ đó tại đây mọc ra rất nhiều lan, gọi là thôn Hoa Lan. Chạy được một đoạn, Ngu Cơ tự biết không thể thoát sự truy đuổi của quân Hán nên đâm cổ tự vẫn ở phía tây một cây cầu nhỏ. Hạng Vũ vội vã mang chôn bà trong một cánh đồng hoang rồi chạy tiếp. Cây cầu gần chỗ bà tự vẫn gọi là cầu Thất Cơ (mất Ngu Cơ). Ngày nay hai địa danh thôn Hoa Lan và cầu Thất Cơ ở huyện Giang Phổ vẫn còn[7].